Có kế hoạch cụ thể cho ngôi nhà tương lai
Lên một kế hoạch xây nhà chỉnh chu trước khi tiến hành thi công là điều cực kỳ quan trọng. Kế hoạch có rõ ràng, thì bạn mới biết mình phải làm gì, khi nào làm, làm những phần nào,… từ đó giúp cho quá trình xây nhà được diễn ra một cách thuận lợi.
Đầu tiên, dựa vào nhu cầu, sở thích của mình bạn có thể hình dung một ngôi nhà mang phong cách phù hợp với bản thân: là cổ điển ấm áp, nhẹ nhàng, hoặc trẻ trung hiện đại, hay vẻ đẹp ấn tượng đầy cá tính. Hãy xác định ý tưởng kiến trúc cho ngôi nhà của mình trước khi làm việc với kiến trúc sư nhé!
Sau khi đã xác định rõ phong cách cho ngôi nhà, hãy xem xét đến vấn đề chức năng sử dụng của ngôi nhà và tiến hành phân chia không gian. Hãy xem xét đến những nội dung sau:
Trước tiên, cần xác định mục đích xây nhà là gì? Xây để ở lâu dài, bán, cho thuê hay kinh doanh?
Bạn đã chuẩn bị chỗ ở tạm thời trong suốt quá trình thi công xây dựng nhà mới chưa?
Xác định diện tích và quy mô xây dựng: Diện tích, vị trí, số lượng của các căn phòng trong nhà.
Những không gian nào cần có như: Phòng thờ, nhà để xe, sân phơi, một khu vườn nhỏ…
Những thay đổi về nhu cầu có thể phát sinh trong tương lai.
Lập ngân sách tài chính phù hợp
Khi đã có kế hoạch xây nhà rõ ràng, bạn nên xem xét thêm về khả năng tài chính của mình, càng rõ ràng cụ thể càng tốt. Điều này giúp bạn dự trù được những khoản cần phải chi tiêu và điều chỉnh kế hoạch xây nhà cho hợp lý. Hãy quản lý tốt những loại chi phí trong những phần cơ bản như: xây dựng thô, phần hoàn thiện nội thất và nhân công.
Ngoài ra, bạn cần lưu ý thêm trong thực tế sẽ luôn có những chi phí phát sinh nhất định so với chi phí ước tính ban đầu, vì thế hãy chuẩn bị thêm một khoản dự phòng trước (từ 10 – 30%).
Việc lập ngân sách tài chính ngay từ đầu giúp bạn lường trước được những vấn đề có thể xảy ra và giải quyết kịp thời, tránh được việc mất quá nhiều thời gian, chi phí và công sức trong quá trình xây nhà.
Tìm hiểu kỹ về pháp lý và kiến thức xây dựng
Muốn việc xây nhà diễn ra xuyên suốt, bạn phải có những kiến thức cơ bản về xây dựng và những thủ tục pháp lý cần thiết.
Việc xây dựng một ngôi nhà phố sẽ ảnh hưởng đến nhiều bên khác nhau: cuộc sống của hàng xóm, cơ sở hạ tầng và môi trường xung quanh,… Do đó, cần phải được sự cho phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền tại khu vực chuẩn bị xây mới có thể tiến hành thi công.
Vì thế, hãy dành thời gian tìm hiểu về các thủ tục pháp lý thật kỹ và chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ liên quan.
Theo khoản 1 Điều 95 Luật Xây dựng, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới đối với nhà ở riêng lẻ gồm:
Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng.
Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Bản vẽ thiết kế xây dựng.
Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.
Ngoài ra, với những kiến thức cơ bản khác về thiết kế xây dựng nhà, gia chủ có thể tìm hiểu thông qua các nguồn Internet, người quen hoặc trực tiếp đến văn phòng của cơ sở xây dựng uy tín để được các kiến trúc sư tư vấn, giải đáp thắc mắc. Thông thường, người xây nhà đều được tư vấn miễn phí.
Làm việc với kiến trúc sư và nhà thầu xây dựng
Tìm và làm việc với kiến trúc sư là một khâu rất quan trọng trong quá trình xây dựng nhà. Bạn hãy nói ra những điều bạn cần, cũng như những mong muốn của mình về ý tưởng cho ngôi nhà đẹp. Kiến trúc sư sẽ lắng nghe những nhu cầu và thắc mắc của bạn để tư vấn chính xác nhất. Hãy lắng nghe những ý kiến tư vấn từ kiến trúc sư trước các yêu cầu của mình, từ đó đi đến sự thống nhất để thiết kế lên một ngôi nhà có đầy đủ yếu tố thẩm mỹ và tiện ích.
Còn đối với việc chọn nhà thầu, hãy đảm bảo chọn đơn vị có uy tín, đáp đứng đầy đủ các yếu tố về chuyên môn và đặc biệt là luôn tuân thủ quy định an toàn lao động. Hãy lựa chọn một nhà uy tín thỏa mãn các yếu tố sau đây:
Đã có những công trình hoàn thiện chất lượng
Được khách hàng đánh giá tốt
Có quy trình làm việc, tiến độ thi công xây dựng chi tiết
Có chính sách báo giá rõ ràng
Đảm bảo về an toàn lao động
Qua quá trình làm việc với kiến trúc sư và nhà thầu, bạn sẽ có cái nhìn tổng quát và đánh giá được nhà thầu đó có uy tín hay không, có đáp ứng đúng nhu cầu của mình không, từ đó ra quyết định kí kết hợp đồng thiết kế và hợp đồng thi công trọn gói.